Nhận xét Đế_quốc_Việt_Nam

  • Theo nhà sử học Joyce C. Lebra, Đế quốc Việt Nam được thành lập như một bộ phận của chính sách Khối Thịnh vượng chung Đại Đông Á của Nhật. Tuy nhiên, nó cũng chỉ là một trong những khẩu hiệu và khái niệm được dùng để biện hộ cho sự chiếm đóng của Đế quốc Nhật Bản tại Đông Á từ thập niên 1930 cho đến hết Chiến tranh thế giới thứ hai, trong đó các chính quyền bản xứ phải vận động người dân và nền kinh tế trong nước phục vụ cho lợi ích của Đế quốc Nhật Bản. Các chính quyền này trên danh nghĩa là độc lập, song thực tế không có nhiều quyền lực, hầu hết các chính sách quan trọng đều do lực lượng quân quản Nhật quyết định (tiêu biểu như chính phủ bù nhìn Mãn Châu quốc của cựu hoàng đế nhà Thanh (Phổ Nghi) hay chính phủ Đế quốc Đại Hàn)[38].
  • Theo tác giả Lê Xuân Khoa, Đế quốc Việt Nam dù không có thực quyền và chịu sự khống chế của Nhật Bản, song nó cũng "đóng một vai trò nhất định trong lịch sử". Nó là một bước đệm để cho Việt Nam có cơ hội đòi hỏi nền độc lập hoàn toàn khi thế chiến thứ hai kết thúc[25].
  • Tiến sĩ sử học Vũ Ngự Chiêu:
Chính phủ Trần Trọng Kim hoặc đã bị đánh giá thấp hay lãng quên. Khuynh hướng phù thịnh và sự thiếu tài liệu chính xác phần nào gây nên hậu quả này. Ngoài ra, các guồng máy tuyên truyền của các thế lực tảng lờ sự thực lịch sử, bẻ cong dữ kiện theo mục tiêu chính trị giai đoạn. Tuy nhiên, xúc động đã qua và các tài liệu văn khố cùng tư liệu nguyên bản khác đã được mở, chúng ta có thể đánh giá tầm quan trọng lịch sử của chính phủ Kim. Dài theo sự hiện hữu ngắn ngủi, và trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, chính phủ Kim đã tham gia vào việc phát động một cuộc cách mạng từ trên xuống, khởi phát từ cuộc thanh trừng chính quyền Decoux. Hai trong những khía cạnh quan trọng cần nhấn mạnh: Đó là sự kích thích đám đông tham gia sinh hoạt chính trị, và, hiện tượng Việt-Nam-hóa hầu hết các cơ cấu xã hội [...] Dẫu vậy, những thành quả của Kim chẳng phải “chìm nhanh vào sự lãng quên không để lại một dấu vết” [39]
  • Theo Tiến sĩ Lê Mạnh Hùng:
"Chính phủ Trần Trọng Kim được thành lập sau khi Nhật Bản lật đổ chính quyền thuộc địa Pháp tại Đông Dương vào ngày 9 tháng 3 năm 1945 và tuyên bố trả độc lập cho Việt Nam. Nhưng vì độc lập mà Nhật gọi là trao trả cho Việt Nam rất là giới hạn thành ra việc thành lập chính phủ cũng bị rất nhiều trở ngại. Phải mất trên một tháng từ khi ông Bảo Đại ra tuyên ngôn tuyên bố độc lập vào ngày 11 tháng 3 cho đến ngày 15 tháng tư mới thành lập được chính phủ. Đó là vì Nhật không chấp nhận bất kỳ những nhà chính trị nào dù là thân Nhật mà họ cho rằng có thể có những ước vọng độc lập nhiều hơn là Nhật dành cho.Với an ninh, quốc phòng và kinh tế tài chánh đều nằm trong tay quân đội Nhật, tất cả những gì mà chính phủ Trần Trọng Kim có thể đạt được trong việc giành lại chủ quyền cho Việt Nam thực tế là chỉ có tính cách biểu tượng. Nhưng trong tình huống Đông Dương vào năm chót của thế chiến thứ hai, biểu tượng này đóng một vai trò rất quan trọng. Biết rằng thất bại của Nhật Bản chỉ là một vấn đề thời gian, Trần Trọng Kim và chính phủ của ông đưa ra một chương trình nhằm thay đổi tâm lý người Việt đến mức mà đất nước sẽ không thể trở lại tình trạng thuộc địa nữa một khi chiến tranh chấm dứt, như lời nói sau đây của ông Hoàng Xuân Hãn khi kể lại mục tiêu của cụ Kim khi thành lập cũng như là của ông khi tham gia chính phủ "Chúng tôi muốn đặt trước Đồng Minh khi chiến tranh chấm dứt với một nước Việt Nam độc lập trên thực tế để chúng ta không thể nào trở lại tình trạng cũ là một thuộc địa của Pháp nữa".Theo ông Hãn, để đạt được mục tiêu này, họ đề ra ba nhiệm vụ chính. Thứ nhất thương thuyết với Nhật để chuyển nhượng quyền chính trị và kinh tế về cho Việt Nam cũng như là thống nhất đất nước bị Pháp chia thành ba phần, bằng cách đưa Nam Kỳ và các thành phố Hà Nội, Hải Phòng và Tourane trở lại dưới sự cai trị của triều đình Huế. Thứ hai, Việt Nam hóa cơ cấu hành chánh thuộc địa của Pháp bằng cách thay thế các quan chức và chuyên viên Pháp, Nhật với người Việt. Và thứ ba tạo ra trong quần chúng một tinh thần quốc gia mới, một niềm ái quốc mới qua một hệ thống giáo dục hoàn toàn dùng tiếng Việt làm ngôn ngữ giảng dạy. Theo ông Hoàng Xuân Hãn, họ hy vọng rằng sẽ có được từ một năm đến 18 tháng để thực hiện chương trình này." [29]Về phía Nhật Bản, chúng cũng nhanh chóng tìm cách nắm chắc bộ máy cầm quyền "bản xứ" do người Pháp lập ra trước đó, và nay đã hoang mang dao động trước vụ Nhật đảo chính Pháp. Chúng bày trò "trao trả độc lập" để làm áp lực buộc vua Bảo Đại ký đạo Dụ số 1 "cải tổ bộ máy triều đình cho phù hợp với tình hình mới". Ngày 19 - 3, viện Cơ mật mới được thành lập trước đó (6-3) do Phạm Quỳnh đứng đầu xin từ chức, Nhật đưa Trần Trọng Kim từ Băng Cốc (Thái Lan) về Sài Gòn, rồi ra Huế gặp Bảo Đại và nhận đứng ra lập nội các mới. Ngày 17/4, nội các Trần Trọng Kim ra mắt. Ngày 4/5, nội các họp phiên đầu tiên, ngày 8/5 bệ kiến Bảo Đại và ra tuyên cáo chính thức. Nội các Trần Trọng Kim với thành phần là những trí thức có tên tuổi - trong số đó phải kể tới một số nhân vật tiêu biểu của nước ta trước năm 1945, có uy tín đối với nhân dân, như Trần Trọng Kim, Hoàng Xuân Hãn, Trịnh Đình Thảo, Phan Anh,…họ đều là giáo sư, luật gia, nhà báo chưa hề dính líu với bộ máy quan trường, trước đó lại từng có nhiều hoạt động thể hiện có tư tưởng yêu nước, có tinh thần dân tộc nên được nhiều người ngưỡng mộ - cũng đã làm cho một bộ phận nhân dân có phần tin tưởng, đặt hy vọng vào.Thủ đoạn của bọn cầm quyền Nhật là triệt để lợi dụng bộ máy chính quyền do chúng mới dựng lên để lũng đoạn tình hình có lợi cho chúng, chúng chỉ muốn có một chính phủ bù nhìn hoàn toàn để thi hành mọi ý định của chúng. Mặc dù vậy, nội các Trần Trọng Kim vượt qua bao khó khăn từ nhiều phía, chủ yếu là từ Nhật, với lời hứa hẹn "phấn đấu cho Việt Nam thành một quốc gia độc lập" và với những công tác lớn được đưa vào chương trình hành động như "Giải quyết nạn đói", "Thống nhất chủ quyền lãnh thổ"… là những yêu cầu cấp bách của tình hình lúc đó, cũng đã đáp ứng một phần lòng mong mỏi của quốc gia...[4]
  • Theo lời thuật của Phan Anh, Bộ trưởng Bộ Thanh niên của Đế quốc Việt Nam:
Lúc ấy, những công chức người Pháp vẫn tiếp tục làm việc. Nhưng họ có mưu mô. Ngoan ngoãn cúi đầu trước Nhật. Thâm ý là chờ đợi xem thế nào? Chờ đợi một cách tích cực. Cụ thể là: Chịu sự sai bảo của ông chủ mới để được ngồi lỳ trong bộ máy hành chánh. Trong phủ Toàn quyền, trong phủ Thống sứ: toàn là người Pháp. Họ đã mất con bài chính trị, thì phải giữ con bài hành chính... Chắc chắn Nhật chóng hay chầy sẽ đầu hàng. Giữ chặt các chức vụ hành chánh để còn có vai trò trong tương lai. Bên cạnh trận địa hành chánh, lại còn trận địa kín nữa chứ... Tôi với tư cách người yêu nước, tôi đã quan sát tình hình ấy. Chúng tôi không muốn bị cả người Pháp lẫn người Nhật đánh lừa mình. Nhóm trí thức chúng tôi không phải một đảng mà là một nhóm, chúng tôi nghĩ rằng nhiệm vụ cấp bách là phải đuổi bọn Pháp ra khỏi bộ máy hành chính. Chúng tôi huy động sinh viên, thanh niên công chức làm việc đó. "Khẩu hiệu thứ hai của chúng tôi là tạm thời ngồi làm việc với người Nhật, nhưng không là "đồng tác giả" (co-auteurs), không phải là "kẻ hợp tác" với họ; phải giữ thế trung lập...."Lấy tư cách là thành viên của chính phủ Trần Trọng Kim, tôi nói với ông rằng chúng tôi tuyệt đối không có ảo vọng gì về người Nhật. Tình thế đã dứt khoát rồi. Phải là kẻ điên mới đi hợp tác với Nhật. Có những người điên, nhưng chúng tôi là trí thức, chúng tôi tham gia chính phủ là để phụng sự. Chính với chính sách ấy mà chúng tôi đã thành lập chính phủ với khẩu hiệu như vừa nói là: Đuổi cổ bọn Pháp và nắm lấy độc lập....Chính phủ Trần Trọng Kim với tất cả bộ trưởng cùng theo đuổi một mục đích như tôi; đã tự vạch ra đường lối chung cho mình mà tôi vừa phác lại để ông thấy rõ. Chính phủ ấy khi ra đời đã tự coi như một mắt xích lâm thời, tôi có thể nói hẳn ra là, theo tôi nhận định, như một công cụ phục vụ cho sự nghiệp giành độc lập. Chúng tôi không coi chính mình là những người' lãnh đạo phong trào, lãnh đạo đất nước, mà là những công cụ, những tay chân của công cuộc đấu tranh dân tộc. Và do đó sự chuyển tiếp từ chính phủ Trần Trọng Kim đến nền cộng hòa trong Cách mạng tháng Tám diễn ra một cách tự nhiên suôn sẻ nữa cơ. Tôi có thể nói với ông rằng với tư cách bộ trưởng, chúng tôi trăm phần trăm ủng hộ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tất cả, kể cả Thủ tướng Trần Trọng Kim. Đã có sự nhất trí toàn vẹn, sâu sắc về sự chuyển tiếp ấy.[8]“Nội các Trần Trọng Kim không có những tên Việt gian nổi tiếng ở trong. Giặc Nhật không dám cho những tên chó săn quá lộ lên “cầm quyền”, e mất tín nhiệm với dân.Nhưng dù giặc Nhật có giở trò gì chúng cũng không lừa phỉnh được dân ta. Rồi đây, nội các Trần Trọng Kim có làm được công chuyện gì đáng kể không? Nhất định không! Thân phận là bù nhìn, nó chỉ có thể giữ việc bù nhìn. Phương châm của nó là: Hứa hẹn thật nhiều, thực hành rất ít hay thực hành trái với lời hứa. Nhiệm vụ của nó là bọc nhung vào ách Nhật Bản đầu độc đồng bào. Thái độ của nó là: Ca ngợi giặc Nhật, vào hùa với giặc áp bức bóc lột nhân dân.Cho nên, thấy Nhật thu thóc, nó câm miệng. Thấy Nhật tăng thuế, nó gật đầu. Thấy Nhật bắn giết, nó làm thinh. Giúp Nhật bắt lính, bắt phu, nó hô hào đi lính, đi phu cho Nhật”Chủ trương của Đảng Cộng sản Đông Dương và Việt Minh là không ủng hộ chính phủ Trần Trọng Kim, không thỏa hiệp với chúng. Chủ trương của Đảng Cộng sản là vạch mặt chính phủ Trần Trọng Kim, đánh đổ nó, trong lúc đó thì ta ngó thấy rằng kẻ thù chính là quân phiệt Nhật, bố đẻ của chính phủ Trần Trọng Kim"
  • Nhà nghiên cứu Phạm Xuân Ba, nhận xét rằng "nền độc lập" của Đế quốc Việt Nam rõ ràng chỉ là giả hiệu bởi những lý do sau[17]:
    • Một nước độc lập phải có một Chính phủ được toàn dân bầu ra, có bộ máy Nội các đầy đủ, hoàn toàn độc lập. Đế quốc Việt Nam thì hoàn toàn không có Quốc hội, không có Hiến pháp và cũng không do nhân dân bầu cử ra, sự ra đời của nó là từ toan tính của Đế quốc Nhật Bản. Chính phủ này cũng không có Bộ Quốc phòng, không có quân đội, không có Bộ Công an, việc giữ an ninh quốc gia, tuyên truyền do quân Nhật nắm giữ.
    • Chính phủ Trần Trọng Kim đã để mặc (hoặc không dám ngăn cản) quân Nhật vơ vét lương thực của người dân, gây ra nạn đói kinh hoàng làm chết hơn 2 triệu người ở nhiều tỉnh miền Bắc.
    • Câu nói cuối cùng trong bản Tuyên cáo là "Chính phủ Việt Nam một lòng tin cậy lòng thành ở Nhật Bản đế quốc, quyết chí hợp tác với nước Nhật, đem hết tài sản trong nước để cho đạt được mục đích như trên”, tự điều đó cho thấy chính phủ này phải lệ thuộc chặt chẽ vào Đế quốc Nhật Bản
    • Ngày 25/8/1945, Bảo Đại đã đọc Tuyên ngôn Thoái vị trước hàng ngàn người tại Ngọ Môn, sau đó trao ấn tín cho đại diện Việt Minh là ông Trần Huy Liệu. Bảo Đại nói: “Trẫm muốn làm dân một nước độc lập, hơn làm Vua một nước bị trị”. Câu nói này chứng tỏ Bảo Đại thừa nhận trước đó nước Việt Nam chưa có được độc lập, và chính Bảo Đại đã “khai tử” bản Tuyên ngôn Độc lập giả hiệu mà ông phải đọc từ sức ép của đế quốc Nhật.

Chính cựu hoàng Bảo Đại cũng xác nhận rằng đến ngày 2 tháng 9 năm 1945 (khi Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập), nước Việt Nam mới giành được độc lập thực sự, còn trước đó thì Việt Nam chỉ là vật hiến tặng của Pháp cho phát xít Nhật, không có được độc lập thực sự. Ông đã viết cho Chính phủ Pháp vào tháng 12-1945: “Năm 1940, Chính phủ Pháp ở Đông Dương đã hiến một cách vô sỉ đất đai của chúng tôi cho phát xít Nhật, nhưng chúng tôi đã giành được nền độc lập hoàn toàn ngày 2 tháng 9 năm 1945”[6]

Trong thư viết ngày 8/5/1947 tại Sài Gòn gửi học giả Hoàng Xuân Hãn, ông Trần Trọng Kim nói về sự yếu ớt và bất lực của Đế quốc Việt Nam năm 1945, và vai trò tiếp quản của Việt Minh như sau[10]:

"Còn về phương diện người mình, thì tôi thấy không có gì đáng vui. Phe nọ đảng kia lăng nhăng chẳng đâu vào đâu cả. Ai cũng nói vì lòng ái quốc, nhưng cái lòng ái quốc của họ chỉ ở cửa miệng mà thôi, nhưng kỳ thực là vì địa vị và quyền lợi, thành ra tranh giành nhau, nghi kỵ nhau rồi lăng mạ lẫn nhau... Tôi thấy tình thế có nhiều nỗi khó khăn quá, mà mình thì thân cô thế cô, không làm gì được, cho nên chỉ giữ cái địa vị bàng quan mà thôi... Tôi vẫn biết việc chống Pháp chỉ có Việt Minh mới làm nổi... Nay Việt Minh đứng vào cái địa vị chống Pháp, tất là có cái thanh thế rất mạnh...".

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Đế_quốc_Việt_Nam http://nghiencuulichsu.com/2014/05/29/ve-chinh-phu... http://www.vninfos.com/selection/histoire/1945.htm... http://archive.is/OSAak http://hopluu.net/a1586/phia-ben-kia-cuoc-cach-man... http://hopluu.net/a1587/phia-ben-kia-cuoc-cach-man... http://hopluu.net/a1588/phia-ben-kia-cuoc-cach-man... http://hopluu.net/p128a1585/6/phia-ben-kia-cuoc-ca... http://www.vietnamvanhien.net/motcongiobui.pdf http://www.jstor.org/discover/10.2307/2055845?sid=... http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/TranTrongKi...